![]() |
Nuôi kiến làm thiên địch phòng sâu bệnh cho cây trồng |
Trứng kiến vốn là một đặc sản được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, thường xuất hiện trong thực đơn các nhà hàng, khách sạn cao cấp. Giá trị dinh dưỡng cao và hương vị đặc biệt khiến loại thực phẩm này ngày càng được thị trường săn đón. Tuy nhiên, nguồn cung trứng kiến hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tự nhiên nên không đáp ứng đủ nhu cầu.
Trước thực tế này, tại tỉnh Lào Cai, mô hình nuôi kiến lấy trứng đã bắt đầu được thử nghiệm, mở ra một hướng đi mới cho nông dân địa phương nhằm tăng thu nhập từ những nguồn tài nguyên sẵn có, cùng với đó mô hình nuôi kiến cũng là phương pháp hữu hiệu cho bà con trong việc tiêu diệt các loại sâu bệnh.
Thay vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), ông Phạm Quang Soái (xã Văn Bàn, Lào Cai) đã áp dụng phương pháp nuôi kiến trong rừng và vườn cây ăn quả để khống chế, tiêu diệt các loại sâu, rệp gây hại cho cây trồng. Theo ông Soái, khi nghe thông tin về dự án nuôi kiến lấy trứng, không chỉ mang lại nguồn thu nhập mà còn giảm sâu bệnh cho cây trồng, ông đã chủ động đăng ký tham gia để thử nghiệm mô hình mới, tận dụng quỹ đất và cây rừng sẵn có. Gia đình ông đã đăng ký nuôi 400 tổ kiến trên diện tích hơn 4 ha rừng. Đến nay, diện tích cây lâm nghiệp của gia đình vẫn phát triển tốt trong khi các tổ kiến đã đạt được kích thước theo yêu cầu đề ra.
![]() |
Thay vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), ông Phạm Quang Soái (xã Văn Bàn, Lào Cai) đã áp dụng phương pháp nuôi kiến trong rừng và vườn cây ăn quả để khống chế, tiêu diệt các loại sâu, rệp gây hại cho cây trồng. |
Cùng thời điểm, gia đình ông Nguyễn Văn Kiên (thôn Khoai 3, xã Bảo Yên, Lào Cai) đã nuôi 200 tổ kiến trên diện tích vườn cây ăn quả. Trong quá trình nuôi, ông Kiên nhận thấy nhiều lợi ích: cây ăn quả trong vườn giảm đáng kể sâu bệnh vì kiến là thiên địch tự nhiên của nhiều loài côn trùng hại cây. Ông Kiên chia sẻ, phương pháp nuôi kiến không đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Mỗi tổ kiến được cài lên tán cây, định kỳ kiểm tra và bảo quản. Việc làm này không chỉ duy trì nguồn kiến ổn định mà còn giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh mà ít cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ông nhận định, mô hình này có tính khả thi cao vì tận dụng được diện tích canh tác sẵn có và không tốn nhiều chi phí đầu tư.
“Ngoài ra, mỗi tổ kiến sau khi đạt kích thước tiêu chuẩn có thể cho thu hoạch từ 500 – 700 gram trứng. Sản phẩm sau thu hoạch được thu gom để cung cấp cho các nhà hàng, cơ sở chế biến. Nhờ vậy, gia đình tôi cũng như các hộ gia đình đang thực hiện mô hình này có thêm nguồn thu nhập từ chính khu vườn hoặc diện tích rừng của nhà mà không cần mở rộng diện tích sản xuất”, ông Kiên cho biết.
![]() |
Nuôi kiến lấy trứng không tốn nhiều vốn đầu tư và công chăm sóc, mang lại nguồn thu nhập tăng thêm cho người trồng cây lâm nghiệp và nhà vườn trồng cây ăn quả. |
Theo đó, đề tài khoa học nghiên cứu, nhân nuôi một số loài kiến dưới tán rừng nhằm tạo sản phẩm trứng kiến tập trung có chất lượng tốt do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lào Cai phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ rừng thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam triển khai từ đầu năm 2025. Với mong muốn đem lại sinh kế mới cho người trồng rừng, đề tài nghiên cứu nuôi kiến lấy trứng thương phẩm được triển khai tại xã Văn Bàn và xã Bảo Yên. Mô hình này đang hứa hẹn mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân, đồng thời là hướng đi rất tốt góp phần quản lý, hạn chế sinh vật gây hại cho cây trồng, giảm thiểu việc sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông, lâm nghiệp, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.
Đến nay, đã có 800 tổ kiến được gây nuôi từ loài kiến sinh sống ở tán rừng địa phương. Sau đó, các tổ này được cài lên cây lâm nghiệp, cây ăn quả. Mỗi tổ kiến gây nuôi sau khi đạt chất lượng có thể cho thu từ 500 - 700 gram trứng kiến để xuất bán ra thị trường. Qua đó, sản phẩm trứng kiến sẽ mang lại nguồn thu nhập tăng thêm cho người trồng cây lâm nghiệp và nhà vườn trồng cây ăn quả, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái trong cộng đồng./.