![]() |
Thịt lợn nhiễm bệnh được các đối tượng lén lút vận chuyển đi tiêu thụ trong đêm. (Ảnh: Công an Hà Nội ) |
Nỗi hoang mang trên mâm cơm nhà
Người tiêu dùng hoang mang khi "thực phẩm bẩn" từ rau củ, thịt, cá cho đến các mặt hàng chế biến, đóng gói sẵn, không ít trong số đó đã và đang chuẩn bị lên kệ siêu thị, chợ dân sinh, nơi cung cấp thực phẩm lên mâm cơm cho mỗi gia đình hàng này.
Đặc biệt chú ý, mới đây Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) TP. Hà Nội đã phê chuẩn quyết định khởi tố 5 đối tượng trong vụ buôn bán, giết mổ và tiêu thụ thịt lợn chết, lợn nhiễm bệnh.
Theo đó, 5 bị can bị khởi tố về tội danh "Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm", gồm: Lê Văn Tươi (sinh năm 1994, trú tại Thường Tín, TP. Hà Nội); Nguyễn Thị Thư (sinh năm 1998, vợ bị can Tươi); Đặng Văn Huy (sinh năm 1987, trú tại phường Tùng Thiện, TP. Hà Nội); Dư Đình Hợi (sinh năm 1983) và Nguyễn Viết Chiếm (sinh năm 1987, cùng trú tại xã Hòa Xá, TP. Hà Nội).
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố ba vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, đồng thời tiến hành điều tra làm rõ hành vi của các đối tượng liên quan.
Vụ thứ nhất: Ngày 30/6, tổ công tác liên ngành gồm Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP. Hà Nội, Viện KSND TP. Hà Nội, Quản lý thị trường, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đã kiểm tra cơ sở giết mổ của Lê Văn Tươi (tại Thường Tín, TP. Hà Nội).
Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện 45 con lợn sống có biểu hiện nhiễm dịch tả lợn châu Phi, cùng 1.050 kg thịt lợn đã giết mổ và 450 kg nội tạng.
Đối tượng Tươi khai nhận đã thu gom lợn chết, lợn nhiễm bệnh về giết mổ rồi cùng vợ đem ra chợ đầu mối tiêu thụ. Mỗi đêm, hai vợ chồng giết mổ khoảng 40 - 50 con, mua với giá 35.000 - 40.000 đồng/kg hơi và bán ra với giá 55.000 - 60.000 đồng/kg thịt.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định Đặng Văn Huy là người chuyên cung cấp lợn chết, lợn nhiễm bệnh cho cơ sở giết mổ của Lê Văn Tươi.
![]() |
![]() |
![]() |
Vụ thứ hai: Ngày 1/7, tại chợ Phùng Khoang (phường Đại Mỗ, Hà Nội), tổ công tác tiến hành kiểm tra ki-ốt của Dư Đình Hợi và phát hiện 367 kg thịt lợn đã biến đổi màu sắc, bốc mùi hôi thối. Hợi khai nhận đã thu mua lợn chết, lợn nhiễm bệnh với giá khoảng 20.000 đồng/kg từ các vùng ven đô Hà Nội hoặc tỉnh Hòa Bình (nay thuộc tỉnh Phú Thọ), sau đó mang về nhà tại xã Hòa Xá để giết mổ, rồi vận chuyển ra chợ Phùng Khoang tiêu thụ.
Để qua mặt khách hàng và cơ quan chức năng, Hợi dùng tiết lợn tẩm lên miếng thịt nhằm đánh lừa cảm quan người mua.
Vụ thứ ba: Cũng tại chợ Phùng Khoang, lực lượng chức năng kiểm tra ki-ốt của Nguyễn Viết Chiếm, phát hiện và thu giữ 426 kg thịt lợn nghi nhiễm bệnh. Với thủ đoạn tương tự như Dư Đình Hợi, Chiếm mỗi ngày tiêu thụ gần 1 tấn thịt lợn ra thị trường. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Hà Nội đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Theo các chuyên gia y tế, khi heo mắc bệnh, các vi trùng nguy hiểm như liên cầu lợn phát triển mạnh, có nhiều độc tố và nguy cơ lây lan rất cao. Khi người tiếp xúc hoặc ăn phải heo bệnh, bị lây nhiễm sẽ dẫn đến suy giảm miễn dịch, rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng huyết… ảnh hưởng đến gan, thận và đáng sợ nhất là nguy cơ về giống nòi. Nếu mua phải thịt heo kém chất lượng, dù có nấu chín thì mối nguy hại với sức khỏe con người vẫn không giảm.
An toàn thực phẩm là quyền cơ bản của người dân nhưng hiện tại, gánh nặng này đang bị đặt lên vai người tiêu dùng. Các cơ quan quản lý - từ Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đến ngành quản lý thị trường... có trách nhiệm đảm bảo thực phẩm an toàn từ chuồng trại đến bàn ăn.
"Lồng bàn" bảo vệ mâm cơm gia đình
![]() |
Ảnh minh họa. |
Thẳng thắn mà nói, có lẽ niềm tin của người tiêu dùng vào thực phẩm sạch đang dần bị bào mòn. Nỗi hoang mang khi "thực phẩm bẩn" và thực phẩm an toàn cùng chen chân vào vào mâm cơm các gia đình hàng ngày.
Dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần ra quân thanh tra, kiểm tra, nhưng tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Câu hỏi đặt ra: do chế tài chưa đủ sức răn đe, hay vì thủ đoạn ngày càng tinh vi, liều lĩnh?
Ngày 9/7/2025, tại Kỳ họp thứ 25, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn về tình hình thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân Thủ đô.
Trả lời chất vấn của đại biểu về việc rất nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư chưa được kiểm soát, gây ô nhiễm môi trường và không đảm bảo an toàn thực phẩm; lượng thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm rau, củ, quả… cấp ra thị trường chưa được kiểm soát tốt về chất lượng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Xuân Đại cho biết ngành đang xây dựng các nội dung về phát triển nông nghiệp; sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt nặng và nghiêm minh hơn các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm; đặc biệt là đưa tất cả vào vùng sản xuất, chăn nuôi, giết mổ tập trung để kiểm soát chặt chẽ đầu ra, đầu vào và chất lượng an toàn.
Để làm rõ thêm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề liên quan đến nhiều khâu, từ trồng trọt đến chăn nuôi, lưu thông, bảo quản chế biến.
Thành phố đã giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì cùng các ngành nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách để hỗ trợ và khuyến khích phát triển các cơ sở giết mổ tập trung, đồng thời kiểm soát và thu hẹp dần các cơ sở nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước, hướng dẫn quy trình và kiểm soát chặt chẽ hoạt động giết mổ để đảm bảo vệ sinh.
Chia sẻ với báo chí, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Xã hội của Quốc hội bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng thực phẩm bẩn len lỏi trong đời sống hằng ngày của người dân. Nó không chỉ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, mà còn làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế. Thực phẩm bẩn không chỉ giết chết niềm tin của người tiêu dùng trong nước, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến thương hiệu du lịch quốc gia - ngành đang được coi là mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
“Đằng sau mỗi bữa ăn mất vệ sinh là một nguy cơ tổn hại đến hình ảnh đất nước văn minh, mến khách và an toàn. Đằng sau mỗi gánh hàng rong không đảm bảo vệ sinh là nguy cơ làm lu mờ hình ảnh một Việt Nam thân thiện, hấp dẫn trong mắt du khách quốc tế”, ông nói.
PGS.TS. Bùi Hoài Sơn cho rằng, phải xử lý nghiêm minh các hành vi tiếp tay cho thực phẩm bẩn, bởi đó là hành vi làm tổn hại niềm tin xã hội và ảnh hưởng xấu đến hình ảnh quốc gia. Bảo vệ từng bữa ăn sạch không chỉ là bảo vệ sức khỏe nhân dân mà còn là gìn giữ uy tín và tương lai của một đất nước đang vươn mình hội nhập.
Qua thực tiễn tiếp xúc cử tri, chia sẻ thông tin với báo chí đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) nhận định đây là câu chuyện gây ra nhiều bức xúc. Bởi những sản phẩm này có thể được tiêu thụ hàng ngày, xuất hiện trôi nổi trên thị trường. Tuy nhiên đáng nói những vụ việc này vẫn tiếp diễn trong nhiều năm, chỉ đến khi các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài phản ánh liên tục, gây nên các "cơn sóng" dư luận thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc kiểm tra phát hiện. Do đó việc xử lý nghiêm các vụ việc này là hết sức cấp thiết. “Tôi nghĩ việc giám sát, kiểm tra, thanh tra là công việc phải thực hiện thường xuyên, liên tục của các cơ quan chức năng. Như vậy thì mới bảo đảm được về an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Tôi cho rằng thời gian qua một số cơ quan chức năng trong lĩnh vực này vẫn còn đang lơ là, thiếu trách nhiệm thì chúng ta nên nghiêm túc nhìn nhận và kiểm soát lại về vấn đề này”, đại biểu Phạm Văn Hoà nhấn mạnh. Mở rộng về vấn đề quản lý Nhà nước liên quan đến kiểm soát thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng Quốc hội đang thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đây cũng là thời điểm để siết chặt về mặt pháp lý đối với các sản phẩm, hàng hoá có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ người tiêu dùng. “Cốt lõi nhất là cần quy định những điều cấm cho các cơ sở sản xuất, các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng thực phẩm. Cần nghiêm trị với các đối tượng bao che, cản trở các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ. Các cơ quan Nhà nước cũng cần vào cuộc quyết liệt, thường xuyên kiểm tra, thanh tra đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh phục vụ người tiêu dùng, truy suất nguồn gốc sản phẩm, điều tra từ khâu chế biến, nguồn gốc nguyên liệu xuất xứ. Có vậy mới đảm bảo an toàn được cho sức khoẻ người dân”, đại biểu Phạm Văn Hoà nhận định. |