![]() |
Tổng đàn gia súc, gia cầm ước đạt 5.966.117 con, tăng 26,11% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Duy Tùng |
Cụ thể, tổng đàn gia súc, gia cầm ước đạt 5.966.117 con, tăng 26,11% so với cùng kỳ năm trước, đạt 101,94% kế hoạch đề ra cho 6 tháng đầu năm. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 48.905,41 tấn, tăng 3,09% so với cùng kỳ và tăng 1,75% so với kế hoạch báo cáo tiến độ (KBTT) 6 tháng.
Ngành chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh, góp phần đảm bảo nguồn cung thực phẩm và đóng góp tích cực vào tăng trưởng ngành nông nghiệp.
Công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục. Nhiều trang trại đã ứng dụng hệ thống chuồng kín, công nghệ IoT, tự động hóa trong quản lý, chăm sóc đàn vật nuôi. Các chính sách hỗ trợ về vay vốn, kỹ thuật tiếp tục được triển khai, góp phần giúp ngành chăn nuôi phục hồi nhanh sau thiên tai, dịch bệnh.
Trên thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh chiếm tới 96%, phần lớn chưa có hệ thống xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường nông thôn; hoạt động nhỏ lẻ không kê khai đàn, không tiêm phòng đầy đủ làm khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh.
Hệ thống thú y cấp xã bị ảnh hưởng do sắp xếp lại mô hình chính quyền 2 cấp, thiếu cán bộ chuyên môn về chăn nuôi thú y, làm chậm trễ giám sát và báo cáo dịch bệnh; Chi phí đầu vào tăng, giá con giống gia cầm tăng 10-15%, điện tăng 5%, trong khi giá sản phẩm đầu ra chưa ổn định, tỷ suất lợi nhuận thấp, ảnh hưởng đến tâm lý tái đàn của người chăn nuôi; Rủi ro thiên tai và dịch bệnh vẫn tiềm ẩn, có thể gây thiệt hại đột biến; hạ tầng giết mổ, chế biến chưa hoàn chỉnh, hợp tác giữa các thành phần trong ngành còn hạn chế, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định.
Để đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025, ngành chăn nuôi tỉnh sẽ tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm như sau: Tăng cường quản lý chăn nuôi nông hộ, kiểm soát dịch bệnh: Vận động người chăn nuôi kê khai đàn, tiêm phòng đầy đủ; hỗ trợ kỹ thuật xử lý chất thải, bảo vệ môi trường nông thôn; tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh, ngăn chặn chăn nuôi tự phát gây rủi ro lây lan dịch bệnh; triển khai tiêm phòng định kỳ, kiểm tra vệ sinh thú y các cơ sở giết mổ; đảm bảo an toàn thực phẩm từ chăn nuôi....
Với các giải pháp đồng bộ, kịp thời trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt chú trọng công tác quản lý sau khi thành lập chính quyền 2 cấp, ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục phát triển bền vững, góp phần đảm bảo nguồn cung thực phẩm và nâng cao đời sống người dân./.