![]() |
Ngày 14/6, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Công nghiệp Công nghệ số với 441/445 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành. |
Một trong những điểm nhấn quan trọng là việc Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp Công nghệ số vào ngày 14/6/2025. Theo đó, Việt Nam tiên phong là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành luật riêng về công nghiệp công nghệ số.
Chia sẻ rõ hơn về Luật Công nghiệp Công nghệ số, ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin cho biết, Luật sẽ có hiệu lực từ 1/1/2026 (một số điều từ 1/7/2025), là cột mốc lịch sử, đánh dấu bước tiến chiến lược, từng bước đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ số toàn cầu.
Luật đã thể chế hóa hàng loạt chủ trương lớn như Nghị quyết 57, 59, 66, 68 của Bộ Chính trị, tạo hành lang pháp lý đồng bộ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số nhanh, mạnh, bền vững.
Luật Công nghiệp Công nghệ số điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và tài sản số, tạo nền tảng pháp lý đồng bộ để phát triển các ngành công nghệ số mũi nhọn.
Với việc quy định chi tiết về quản lý AI và tài sản số, Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong việc xây dựng khung pháp lý về công nghiệp công nghệ số minh bạch, đảm bảo an toàn, an ninh mạng và quyền lợi người dùng.
Để ngành công nghiệp công nghệ số trở thành động lực kinh tế chủ đạo với tốc độ tăng trưởng gấp 2-3 lần GDP, Luật đưa ra các ưu đãi vượt trội cho các dự án trọng điểm trong lĩnh vực công nghệ số, bán dẫn, AI, và trung tâm dữ liệu.
Luật quy phạm hóa chương trình "Make in Vietnam", ưu tiên sử dụng sản phẩm công nghệ số Việt Nam trong các dự án ngân sách nhà nước, đảm bảo thị trường đầu ra ổn định...
Luật đặt trọng tâm phát triển nhân lực công nghệ số với các chính sách hỗ trợ đào tạo, cấp học bổng, tín dụng ưu đãi cho người học và xây dựng nền tảng dạy học trực tuyến. Nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao được miễn thuế thu nhập cá nhân 5 năm, cấp visa 5 năm cho chuyên gia nước ngoài, cùng cơ chế lương thưởng cạnh tranh. Nhân tài công nghệ số được hỗ trợ môi trường làm việc, tài chính cho R&D, và tôn vinh, khen thưởng, tạo điều kiện thu hút và trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước...
Theo thông tin tại cuộc Họp báo thường kỳ tháng 6 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức ngày 27/6/2025.
Bộ KH&CN đã thông tin toàn diện về các kết quả nổi bật trong tháng, đặc biệt nhấn mạnh đến công tác hoàn thiện thể chế, trong đó nổi bật là việc trình Quốc hội thông qua 5 dự án luật quan trọng, đánh dấu bước tiến mạnh mẽ trong triển khai các định hướng lớn theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW và các nghị quyết của Bộ Chính trị.
Theo đó, trong tháng 6/2025, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV 5 dự án luật quan trọng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, gồm: Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) và Luật Công nghiệp công nghệ số.
Cũng tại họp báo, Bộ KH&CN cho biết, để tạo thuận lợi cho việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, trong tháng 6/2025, Bộ KH&CN đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành 02 Nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền (Nghị định số 132/2025/NĐ-CP và Nghị định số 133/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025).
Đồng thời ban hành 02 Thông tư hướng dẫn (Thông tư số 07/2025/TT-BKHCN ngày 20/6/2025; Thông tư số 08/2025/TT-BKHCN ngày 21/6/2025) và Quyết định số 1442/QĐ-BKHCN ngày 24/06/2025 về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, được sửa đổi, bổ sung và bị bãi bỏ theo quy định về phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
Trong thời gian tới, Bộ KH&CN tập trung xây dựng và hoàn thiện dự thảo các luật như: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Công nghệ cao; Luật Chuyển đổi số quốc gia; Luật Sở hữu trí tuệ... để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, báo cáo Chính phủ để xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV.