![]() |
Sản phẩm miến dong Án Lại, xã Nguyễn Huệ (Cao Bằng). |
Cây dong riềng – nguyên liệu chính làm nên miến Án Lại vốn là loại cây quen thuộc với người dân các xóm thuộc xã Nguyễn Huệ. Nhờ đặc tính phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng vùng núi, cây dong riềng sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất ổn định. Bên cạnh đó, việc đầu ra được đảm bảo thông qua nghề làm miến truyền thống đã biến cây dong riềng trở thành cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập ổn định và mở ra cơ hội thoát nghèo cho hàng trăm hộ dân.
Theo ông Đàm Thanh Hưởng, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa An, nay là Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Huệ cho biết: Vụ trồng năm nay, xã Nguyễn Huệ trồng gần 217 ha dong riềng, đạt hơn 120% kế hoạch. Điều đáng chú ý là phong trào trồng dong riềng được triển khai đồng bộ ở tất cả các xóm, trong đó tập trung nhiều tại các xóm: Án Lại, Canh Biện, Thua Bó. Người dân không chỉ bán củ dong mà còn trực tiếp chế biến miến tại nhà, tạo nên chuỗi giá trị kép, gia tăng thu nhập quanh năm.
Đặc biệt, từ khi xã Nguyễn Huệ được thụ hưởng Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, người dân được hỗ trợ giống cây, kỹ thuật trồng trọt, sản xuất miến sạch, tiếp cận với kiến thức xây dựng thương hiệu và đóng gói sản phẩm. Nhờ vậy, giá trị kinh tế từ cây dong riềng và nghề làm miến không ngừng được nâng lên, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Nhằm bảo tồn, phát triển và gia tăng giá trị sản phẩm miến dong truyền thống, Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Miến dong Án Lại” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Cao Bằng chủ trì thực hiện.
Dự án tập trung tạo lập nhãn hiệu, hướng dẫn thực hành sản xuất miến dong từ khâu trồng nguyên liệu đến sản xuất ra thành phẩm miến dong đạt tiêu chuẩn sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận Miến dong Án Lại; tổ chức tập huấn áp dụng mô hình sản xuất gắn với công cụ quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận; hỗ trợ người dân hoàn thiện thủ tục đăng ký sử dụng nhãn hiệu; hỗ trợ đăng ký sản phẩm OCOP cho miến dong Án Lại; in ấn tem, nhãn, bao bì đựng sản phẩm miến dong Án Lại; in ấn tờ rơi tuyên truyền nhãn hiệu chứng nhận Miến dong Án Lại; Sổ tay quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Miến dong Án Lại cho sản phẩm miến dong của xã Nguyễn Huệ, tỉnh Cao Bằng. Đặc biệt, hai biển truyền thông về nhãn hiệu chứng nhận Miến dong Án Lại đã được lắp đặt tại những vị trí quan trọng: Ven quốc lộ 3, nơi thường có nhiều du khách dừng chân chụp ảnh và khu vực chợ Án Lại,trung tâm giao thương của xã.
![]() |
Vụ đông xuân năm 2025, xã Nguyễn Huệ (Cao Bằng) trồng gần 217 ha cây dong riềng, đạt hơn 120% kế hoạch. |
Quá trình triển khai dự án, người dân đã được tiếp cận và nắm vững quy trình sản xuất, các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định về sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cũng như ý nghĩa của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, dự án đã hỗ trợ cộng đồng trong việc kết nối sản phẩm với thị trường, xây dựng câu chuyện thương hiệu, củng cố niềm tin của người tiêu dùng.
Kết quả lớn nhất của dự án chính là việc xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận “Miến dong Án Lại”, được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận. Đây là dấu mốc quan trọng không chỉ giúp sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên phạm vi toàn quốc, mà còn là công cụ hữu hiệu để các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh miến dong tại địa phương nâng cao vị thế trên thị trường.
Thông qua việc gắn kết giữa sản xuất truyền thống với các công cụ quản lý hiện đại, dự án đã góp phần định hình rõ nét bản sắc của sản phẩm miến dong Án Lại: sạch – thủ công – đậm đà bản địa.Người tiêu dùng hoàn toàn có thể nhận diện được sản phẩm miến dong Án Lại chính hãng qua dấu hiệu nhãn hiệu chứng nhận – một bảo chứng cho chất lượng, nguồn gốc và niềm tin.
Việc phát triển cây dong riềng gắn với sản xuất miến truyền thống không chỉ mang ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn góp phần bảo tồn tri thức bản địa, giữ gìn nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong bối cảnh kinh tế nông thôn còn nhiều thách thức, sự hỗ trợ từ các dự án khoa học và công nghệ như dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Miến dong Án Lại” đóng vai trò then chốt giúp người dân nâng cao trình độ sản xuất, cải thiện sinh kế, khẳng định giá trị bền vững của sản phẩm nông sản địa phương.
Từ một nghề truyền thống, qua quá trình chuẩn hóa, nâng cấp và xây dựng thương hiệu, miến dong Án Lại đã mang một diện mạo mới: Chuyên nghiệp, uy tín và có khả năng vươn xa. Đó là thành quả của nỗ lực người dân Nguyễn Huệ, là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của việc gắn khoa học và công nghệ với phát triển nông thôn bền vững.