![]() |
Anh Trần Văn Hải và bác Ngân Văn Phúc bên cây Khôi Tía được trồng dưới tán rừng tự nhiên. |
Tiềm năng lớn cho nhiều cây dược liệu quý
Nhiều năm qua, chủ trương của Đảng và Nhà nước đã khuyến khích, vận động người dân, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp cùng chung tay bảo vệ, bảo tồn, phát triển và khai thác hiệu quả tiềm năng của hệ sinh thái rừng, đặc biệt là phát triển kinh tế dưới tán rừng một cách bền vững. Việc phát triển cây dược liệu quý như cây Sâm Lai Châu Việt Nam và nhiều loại cây dược liệu bản địa tạo thành sản phẩm du lịch sinh thái cho thác Ma Hao (bản Năng Cát, xã Linh Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Việc phát triên cây dược liệu dưới tán rừng tạo ra công ăn việc làm, giúp bà con nhân dân phát triển kinh tế gia đình, giảm áp lực vào rừng tự nhiên.
Tiên phong trong việc phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên, Ban QLRPH Lang Chánh triển khai trồng thử nghiệm 1ha Sâm Lai Châu và 1,5ha Sâm Cau, Khôi Tía tại khu vực núi Pù Rinh tại trạm bảo vệ rừng số 4, Ban quản lý rừng phòng hộ Lang chánh.
Sâm Lai Châu được biết đến là loài cây thuốc quý hiếm với thành phần saponin phong phú và có giá trị kinh tế cao. Do đó, để nghiên cứu các biện pháp và kỹ thuật trồng loài sâm quý này là rất cần thiết. Sâm Lai Châu phân bố ở nơi có khí hậu mát mẽ, ẩm ướt quanh năm và ở độ cao lớn, giá trị của củ sâm rất tốt cho sức khỏe con người, giá trị kinh tế cao nên Sâm Lai Châu đã và đang được nhiều địa phương quan tâm để gây trồng.
Đỉnh Pù Rinh có độ cao 1.200 mét so với mực nước biển, hệ sinh thái rừng còn rất đa dạng, phong phú, điều kiện khí hậu thuận lợi để phát triển các loài dược liệu; dãy núi Pù Rinh nằm trên địa bàn của 03 xã, có khí hậu luôn luôn mát mẻ, sương mù bao phủ, nhiệt độ trung bình năm 230C. Đây là vùng có thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp cho trồng và phát triển cây dược liệu quý, đặc biệt là cây Sâm Lai Châu, Khôi Tía, Sâm Cau. Sau một năm trồng thử nghiệm, hiện cả 3 loại cây dược liệu kể trên đều đang sinh trưởng, phát triển tốt dưới tán rừng tự nhiên.
![]() |
Trồng cây dược liệu quý dưới tán rừng tự nhiên đang mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho người dân miền núi. |
Hướng đi cho thảo dược quý dưới tán rừng
Dẫn chúng tôi vào khu vực trồng Sâm Lai Châu, Khôi Tía, Sâm Cau, anh Trần Văn Hải, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 4, Ban QLRPH Lang Chánh vừa đi vừa chia sẻ: cây dược liệu quý thường phân bố và sinh trưởng tốt ở nơi có độ cao, độ ẩm và thảm thực vật rừng phong phú. Thời điểm này là khoảng thời gian rất phù hợp để cây cối sinh trưởng, phát triển.
Gặp bác Vũ Thị Tú, (SN: 1964, xã Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đang làm công việc trồng Sâm Lai Châu tại cánh rừng nhận giao khoán, trông coi được bác ân cần chia sẻ. “ Tôi đã ở dưới cánh rừng Pù Rinh 5 năm nay, trước đây thì trồng lan, sau rồi trồng Sâm Ngọc Linh; từ khi mô hình trồng thử nghiệm Sâm Lai Châu được Ban QLRPH Lang Chánh triển khai vợ chồng tôi là người trực tiếp trồng và chăm sóc”.
![]() |
Ông Ngân Văn Phúc bên vườn giống cây Sâm Lai Châu trên đỉnh Pù Rinh. |
Băng qua nhiều tán rừng rậm rạp trong khu rừng tự nhiên mới có thể vào khu vực trồng cây dược liệu. Trên đường đi bác Tú cho hay: là người sinh ra và lớn lên ở rừng nên những loại cây nào là thuốc, bổ dưỡng, cây nào có độc vợ chồng tôi đều thuộc nằm lòng. Để thuận tiện cho việc trồng, trông coi cây dược liệu nên vợ chồng tôi dựng lán trại ở lại đây.
Nói về Sâm Lai Châu, khi cây phát triển được 1 năm, thì việc quan trọng nhất là chế độ tưới nước, che phủ để tránh bị ánh nắng chiếu vào, khi cây bị rệp thì cần xử lý bằng thuốc sinh học hoặc nước vôi pha loãng. Trong khi cây Khôi Tía và Sâm Cau chỉ cần phát quang cây dây leo, bụi rậm xung quanh để cây vươn tán lên đón ánh sáng.
Ngoài vợ chồng bác Tú đang trồng, chăm sóc và bảo vệ cây dược liệu quý tại đỉnh Pù Rinh còn có bác Ngân Văn Phúc xã Linh Sơn, tỉnh Thanh Hóa cũng đang trồng cây dược liệu tại đây. Hàng ngày, những người nông dân này đều đi chăm sóc, theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của cây dược liệu. Mỗi tháng khi hết gạo, những nhu yếu phẩm thì về nhà lấy còn không đều phụ thuộc vào thức ăn từ rừng.
![]() |
Bác Vũ Thị Tú cùng chúng tôi tham quan khu vực trồng Sâm Lai Châu. |
“Mùa này sống ở rừng còn đỡ, đến mùa mưa, mùa đông thì khổ trăm bề. Mùa đông, mùa mưa, khi đi ngủ mái lều và xung quanh giường phải che áo mưa, vì sương vào dày đặc ướt hết chăn gối, quần áo giặt cả tuần phơi không khô phải mang vào hong bên bếp củi. Mưa rừn khiến đường xá lầy lội, khi đấy khu trồng dược liệu bị biệt lập với bên ngoài, cây rau rừng trở thành thức ăn chính cứu đói cho những người gác rừng” - ông Phúc tâm sự.
Theo anh Hải chia sẻ, anh có dịp đi khắp các tỉnh miền núi, nhận thấy việc bà con nhân dân phát triển cây dược liệu dưới tán rừng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Nhiều hộ dân giàu có là nhờ vào phát triển kinh tế dưới tán rừng tự nhiên. Mang những trăn trở và kinh nghiệm tích lũy trở về địa phương, anh Hải nhận thấy nơi đây có điều kiện tự nhiên tốt hơn rất nhiều nơi, tại sao bà con không cùng nhau phát triển kinh tế dưới tán rừng để làm giàu? Sau khi nghiên cứu kĩ, anh Hải vận động một số hộ dân đang nhận giao khoán rừng cùng trồng cây Sâm Lai Châu, Khôi Tía và Sâm Cau.
Sau một năm trồng thử nghiệm 1ha cây Sâm Lai Châu dưới tán rừng tự nhiên, 1,5ha cây Sâm Cau và cây Khôi Tía, hiện những giống cây dược liệu này đang sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ. Một số cây sâm có độ tuổi 3-4 năm được di thực từ lai Châu về phát triển rất tốt, đã ra hoa và quả.
“Tôi sẽ tiếp hướng dẫn các hộ dân đang nhận giao khoán rừng cách thức chăm sóc, kỹ thuật trồng để tiến tới đánh giá toàn diện hiệu quả của mô hình.Nếu mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên ở đây thành công sẽ là hướng đi mới có tính chất bền vững cho người dân các xã miền núi Thanh Hóa. Bên cạnh đó, việc này cũng giảm tải không nhỏ việc lệ thuộc vào rừng tự nhiên có tính lâu đời của người dân. Quan trọng hơn là việc khai thác, bảo vệ hệ sinh thái rừng được đảm bảo và bền vững” - anh Hải Tâm sự.