![]() |
Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ ngư dân hoạt động đúng quy định, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tàu cá vượt ranh giới, ngắt kết nối VMS, giả mạo giấy tờ, môi giới đưa tàu cá ra vùng biển nước ngoài trái phép |
Sau thời gian thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư và Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ, công tác phòng, chống khai thác IUU đã đạt nhiều kết quả tích cực. Các lực lượng chức năng đã khởi tố, truy tố, xét xử một số hành vi vi phạm, góp phần răn đe trong cộng đồng ngư dân. Số lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm so với năm 2024.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay vẫn còn rất phức tạp. Từ đầu năm 2025 đến nay, có 16 tàu cá vi phạm bị nước ngoài bắt giữ, trong đó 13 tàu sử dụng biển số giả hoặc không đăng ký, với 90 ngư dân Việt Nam bị xử lý. Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, lực lượng chức năng vẫn chưa có biện pháp kiểm soát hiệu quả.
Thủ tướng chỉ rõ nguyên nhân là do công tác quản lý tàu cá chưa chặt chẽ, xử lý vi phạm còn lỏng lẻo, thiếu thống nhất; tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí có biểu hiện tiêu cực ở một số địa phương. Nhiều nơi vẫn chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng.
Để ngăn chặn và xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu toàn hệ thống chính trị xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa chiến lược đối với phát triển bền vững ngành thủy sản, kinh tế biển và vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Cụ thể giao các Bộ Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Môi trường, Ngoại giao, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Tài chính cùng UBND các tỉnh, thành phố ven biển phải ưu tiên bố trí nguồn lực, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chống IUU.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ ngư dân hoạt động đúng quy định, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tàu cá vượt ranh giới, ngắt kết nối VMS, giả mạo giấy tờ, môi giới đưa tàu cá ra vùng biển nước ngoài trái phép.
Bộ Quốc phòng chủ trì đợt cao điểm kiểm tra, xử lý tàu “03 không” (không đăng ký, không kiểm định, không thiết bị giám sát hành trình) tại các cửa biển, đảo, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam, hoàn thành trước 20/8/2025.
Duy trì lực lượng, phương tiện tại vùng biển giáp ranh với Thái Lan, Malaysia, Indonesia để ngăn chặn vi phạm và bảo vệ ngư dân hoạt động hợp pháp.
Tập trung kiểm tra, kiểm soát tàu xuất nhập bến tại đồn, trạm biên phòng; đảm bảo đầy đủ thủ tục xác nhận cảng cá, không để tàu không đủ điều kiện ra khơi.
Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương điều tra, xử lý hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng IUU, hoàn thành trước 30/8/2025.
Nếu chưa đủ yếu tố truy cứu trách nhiệm hình sự, phải chuyển hồ sơ để xử phạt hành chính theo đúng quy định.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường chịu trách nhiệm chính tổng hợp, giám sát, cập nhật số liệu, báo cáo EC về tiến độ thực hiện các khuyến nghị.
Bộ Ngoại giao chỉ đạo cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo dõi, bảo vệ quyền lợi ngư dân, thu thập thông tin xử lý, phối hợp vận động EC sớm gỡ bỏ “Thẻ vàng”.
Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đảm bảo chất lượng thiết bị giám sát hành trình (VMS), xử lý các nhà cung cấp không đạt yêu cầu.
Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Môi trường triển khai khai báo thủ tục xuất nhập bến trên ứng dụng VNeID, tăng tính minh bạch, tiện lợi trong kiểm tra, giám sát.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển chịu trách nhiệm trực tiếp trước Thủ tướng nếu không hoàn thành các nhiệm vụ chống khai thác IUU. Các địa phương cần rà soát, phân định rõ trách nhiệm từng cơ quan, cá nhân; xử lý nghiêm các hành vi né tránh, thiếu trách nhiệm, khẩn trương hoàn tất hồ sơ, xử phạt vi phạm hành chính và hình sự đối với các tàu cá vi phạm từ năm 2024 đến nay theo Nghị định 38/2024/NĐ-CP và Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân tuân thủ pháp luật, không tham gia khai thác trái phép, phê duyệt kế hoạch cao điểm hành động, xử lý nghiêm các cán bộ thiếu trách nhiệm hoặc bao che vi phạm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà được Thủ tướng giao nhiệm vụ theo dõi, chỉ đạo sát sao quá trình triển khai công điện tại các bộ, ngành và địa phương. Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm đôn đốc, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng kịp thời những phát sinh, vướng mắc.
Công điện 122/CĐ-TTg khẳng định quyết tâm cao của Chính phủ Việt Nam trong việc xử lý triệt để tình trạng khai thác IUU, từng bước khôi phục niềm tin của quốc tế, đặc biệt là Ủy ban châu Âu (EC), hướng đến gỡ bỏ “Thẻ vàng”, nâng cao uy tín nghề cá Việt Nam và đảm bảo sinh kế bền vững cho ngư dân./.