![]() |
Mưa bão làm một người chết, nhiều công trình bị hư hại tại Phú Thọ. |
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Phú Thọ, mưa giông đã làm 01 người chết do bị mái tôn bay trúng người bất tỉnh và tử vong tại Trung tâm Y tế (địa chỉ xóm Cọi Vỉnh, xã Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình cũ). Mưa lớn kèm gió giật mạnh cũng đã làm hư hỏng, tốc mái 304 nhà dân, 2 nhà văn hóa, 9 trường học và 1 trạm y tế; nhiều cột điện hạ thế và trung thế bị đổ; hơn 10ha cây ăn quả, cây lâm nghiệp bị đổ gãy trên địa bàn tỉnh.
Ngay sau khi kết thúc mưa giông, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và TKCN các xã bị thiệt hại đã xuống kiểm tra hiện trường, huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống. Đối với gia đình có người chết, chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình để tổ chức mai táng; lực lượng chức năng tiến hành di dời đối với 8 hộ tại xóm Chanh, xã Kim Bôi (Hòa Bình cũ) trong vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn, bố trí tạm thời chỗ ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng, cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết. Hiện, UBND các xã tiếp tục rà soát, tổng hợp tình hình thiệt hại kịp thời báo cáo về Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Công điện số 01/CĐ-CT ngày 17/7/2025 về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão, vì vậy phải khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó nhằm chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra.
Ctheo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương và đơn vị phải đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng, tài sản của người dân, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, công trình thủy lợi, đê điều và cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Cụ thể, các địa phương phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, đặc biệt là cảnh báo về mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất để kịp thời thông tin đến người dân. Công tác thông tin, tuyên truyền cần được đẩy mạnh, đảm bảo mọi người dân nắm bắt được các cảnh báo và chủ động các biện pháp phòng tránh. Các lực lượng xung kích tại cơ sở cần được huy động, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống khẩn cấp.
Đối với sản xuất nông nghiệp, cần hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp bảo vệ cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là các diện tích lúa mới gieo cấy, hoa màu và thủy sản. Các hồ chứa, đập thủy lợi cần được kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Kế hoạch xả lũ (nếu cần) phải được tính toán khoa học, thông báo rộng rãi đến người dân vùng hạ du để chủ động di dời và phòng tránh.
Bên cạnh đó, các tuyến đường xung yếu, các điểm ngập úng, sạt lở có nguy cơ cao phải được kiểm soát chặt chẽ, có phương án phân luồng giao thông hoặc cấm đường nếu cần thiết để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Ngành điện lực cần có phương án đảm bảo an toàn hệ thống điện, tránh các sự cố do mưa bão gây ra.