![]() |
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). |
Khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh, Việt Nam có truyền thống nông nghiệp, có thế mạnh về nông nghiệp. Trong đó, nông nghiệp tuần hoàn vừa là yêu cầu bắt buộc, vừa là động lực tiến tới nền nông nghiệp xanh, chi phí thấp, gia tăng chuỗi giá trị, thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, hạn chế sử dụng tài nguyên, giảm phát thải nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường...
Hiện nay, các mô hình chăn nuôi tuần hoàn được triển khai tại Phú Thọ, Hưng Yên, Tuyên Quang, Lào Cai, Hà Nội… trong đó, phụ phẩm như thân cây ngô, sắn, đậu, lạc được ủ chua làm thức ăn cho gia súc. Phân thải từ chăn nuôi sau đó được xử lý bằng sinh học để tái sử dụng trong trồng trọt. Nhờ vậy, giá thành thức ăn giảm, hiệu quả kinh tế tăng 10-15% so với chăn nuôi truyền thống.
![]() |
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường). |
Tại Diễn đàn, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng, mô hình tuần hoàn không chỉ là giải pháp kỹ thuật mà còn là nền tảng phát triển toàn diện, đa ngành, gắn với cộng đồng và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Thịnh nhấn mạnh, Việt Nam đang có lợi thế lớn với hơn 156 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp mỗi năm, song hiện tỷ lệ tái chế, tái sử dụng mới chỉ đạt dưới 35%, chủ yếu ở quy mô nhỏ, phân tán. Thiếu quy trình, tiêu chuẩn, nhãn mác chứng nhận cho sản phẩm tuần hoàn khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi đầu tư vào lĩnh vực này.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Thịnh đề xuất xây dựng chiến lược riêng về nông nghiệp tuần hoàn, hướng tới tăng tỷ lệ tái chế lên trên 70% vào năm 2030, tập trung vào các ngành hàng chủ lực như lúa gạo, cà phê, chăn nuôi… Mô hình nông nghiệp tích hợp trồng trọt - chăn nuôi - chế biến - du lịch - năng lượng tái tạo sẽ là hướng phát triển tiềm năng, kết hợp chuyển đổi số, sinh học và công nghệ xanh.
Ngoài ra, hệ thống khuyến nông cần đóng vai trò trung tâm trong việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nông dân và thúc đẩy mô hình nông nghiệp sinh thái như VAC, OCOP hay các làng nghề sinh thái.
![]() |
Toàn cảnh Diễn đàn. |
Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, bên cạnh hiệu quả, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vẫn gặp rào cản về đất đai, vốn cần sớm được tháo gỡ.
Trong đó, việc tiếp cận đất đai và quy hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã còn nhiều hạn chế; yêu cầu tài sản thế chấp và thủ tục tiếp cận tín dụng còn phức tạp; tín dụng theo chuỗi nông nghiệp chưa được áp dụng phổ biến; khả năng xử lý rủi ro tín dụng thấp, chưa gắn với bảo hiểm nông nghiệp; quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên khó áp dụng hình thức sản xuất khép kín, tập trung với diện tích canh tác lớn; người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng sản phẩm hữu cơ; trình độ, năng lực tiếp cận khoa học và công nghệ còn nhiều hạn chế…
![]() |
Ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VCAC). |
Ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VCAC), Chủ tịch HĐQT Công ty CP T&T 159, cũng đồng tình rằng mô hình kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu thế không thể đảo ngược trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu. Việc triển khai kinh tế tuần hoàn sẽ là một trong những động lực giúp ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển đổi sang mô hình phát triển hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo ông Thắng, thời gian qua, một số doanh nghiệp và nông hộ đã chủ động áp dụng kinh tế tuần hoàn vào sản xuất. Tại nhiều địa phương, rơm rạ và chất thải chăn nuôi đã được tận dụng để sản xuất phân bón hữu cơ thông qua chế phẩm vi sinh, hỗ trợ canh tác lúa và rau màu theo hướng hữu cơ. Các mô hình này giúp tiết giảm chi phí đầu vào, đồng thời nâng cao giá trị đầu ra thông qua việc tạo ra sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên trong triển khai kinh tế tuần hoàn ở nông nghiệp vẫn còn nhiều rào cản như thiếu cơ chế, chính sách cụ thể; thiếu và yếu về công nghệ…
Để hiện thực hóa điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân, giới khoa học và nhà đầu tư. Trong đó, hành động trực tiếp từ người dân làm nông nghiệp - những người đứng đầu chuỗi sản xuất sẽ có vai trò quyết định trong việc xây dựng một nền nông nghiệp tuần hoàn, xanh và hiện đại, ông Hà Văn Thắng nhấn mạnh.